Xuất cảnh trái phép, trốn đi nước ngoài là hành vi ra khỏi biên giới Việt Nam không có giấy phép theo quy định của pháp luật về xuấ...
Xuất cảnh trái phép, trốn đi nước ngoài là hành vi ra khỏi biên giới Việt Nam không có giấy phép theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh. Hành vi này được thể hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn và phương tiện khác nhau: lén lút không có hộ chiếu hoặc giấy phép của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, có hộ chiếu hay giấy phép nhưng đã quá hạn hoặc không có thị thực xuất cảnh, nhập cảnh; sử dụng hộ chiếu giả, giấy phép giả hoặc thị thực giả…
Người có hành vi xuất cảnh trái phép sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 17 – Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nặng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép theo Điều 347 – Bộ Luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 349 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017.
Thời gian gần đây, mặc dù các lực lượng chức năng đã có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, cảnh báo về những rủi ro, nguy hiểm khi đi lao động trái phép ở nước ngoài, tuy nhiên nhiều người dân vẫn xuất cảnh trái phép đi làm thuê. Điều đáng nói là hầu hết những người này đều xuất cảnh không hợp pháp, không có bất kỳ sự bảo hộ nào từ nước sở tại và nhiều người trong số họ đã phải trả giá đắt, thậm chí bằng cả tính mạng mình.
Không thể phủ nhận, trong số những người xuất cảnh đi lao động ở nước ngoài có nhiều người may mắn tìm được việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống cho gia đình (chủ yếu là xuất khẩu lao động theo đường chính ngạch). Tuy nhiên, đa phần công dân tự ý xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động bất hợp pháp mà không thông qua các cơ quan, doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động, nên quyền lợi không được bảo đảm. Họ phải đối mặt với nhiều rủi ro như: bị chủ sử dụng lao động nước ngoài nợ lương, quỵt lương, bị quản lý chặt chẽ. Không chỉ dừng lại ở những vấn đề về việc làm hay thu nhập, những rủi ro khi đi lao động trái phép, cư trú bất hợp pháp còn xảy ra với muôn hình vạn trạng: Người vướng vòng lao lý, người rủi ro về tài chính, bị đối xử ngược đãi, đánh đập, cưỡng bức lao động, có thể bị bắt giữ, đẩy đuổi về nước bất cứ lúc nào, thậm chí bị tai nạn lao động, tử vong và trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người. Rủi ro cứ xảy ra, nhưng dòng người thì vẫn cứ ra đi với những giấc mơ đổi đời mà chưa bao giờ họ chịu nhận ra quyết định thiếu thận trọng, sai lầm của mình sẽ trực tiếp phát sinh hệ lụy, rủi ro nơi đất khách.
![]() |
Ảnh: 39 người Việt nhập cư trái
phép chết trong
container ở Essex, Vương quốc Anh ngày 23/10/2019
|
Có thể nhận thấy rằng, để sang được nước ngoài không phải dễ dàng gì. Châu Á, Châu Âu, hay bất cứ nước nào khác đều có những quy định riêng khi tiếp nhận công dân một nước nào đó sang lao động. Việc xuất cảnh trái phép ở đâu cũng tiềm ẩn những rủi ro mà người lao động không thể lường trước. Nếu người lao động không hiểu biết, nghiên cứu kỹ và tìm cho mình một hướng đi phù hợp với trình độ, năng lực của mình thì sẽ vỡ mộng, ôm trái đắng khi những chiếc bẫy “việc làm” nhàn hạ, lương cao luôn giăng sẵn để dụ mồi.
COMMENTS