Thời gian vừa qua, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp cần sự chung tay của cả cộng đồng. Việt Nam đư...
Thời gian vừa qua, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp cần sự chung tay của cả cộng đồng. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước thực hiện tốt nhất công tác phòng dịch, tuy nhiên, thời gian vừa qua do thiếu hiểu biết hoặc ý thức kém dẫn đến việc thực hiện cách ly y tế ở một số nơi, một số vùng còn chưa hiệu quả. Hôm nay, Chiến trường mới sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin liên quan đến công tác phòng dịch Covid-19. Hiển nhiên, đối với những người nhiễm và có biểu hiện nghi nhiễm Covid-19 cần phải được tiến hành cách ly tại các cơ sở khám chữa bệnh, tuy nhiên đối với những trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú thì sao?
1. Vậy những ai cần phải tiến hành cách ly tại nhà, nơi lưu trú?
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đối tượng cách ly là những người không có các triệu chứng nghi nhiễm nCoV (ho, sốt, khó thở) và có một trong những yếu tố sau đây:
Một là, sống trong cùng nhà, nơi lưu trú với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;
Hai là, cùng làm việc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;
Ba là, cùng nhóm du lịch, đoàn công tác, nhóm vui chơi với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;
Bốn là, có tiếp xúc gần trong vòng 2 m với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong trong thời gian mắc bệnh ở bất kỳ tình huống nào;
Năm là, ngồi cùng hàng hoặc trước sau hai hàng ghế trên cùng một chuyến xe/toa tàu/máy bay với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ;
Sáu là, người nước ngoài hoặc người Việt Nam trở về từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng có dịch trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
2. Việc không tuân thủ các quy định về cách ly sẽ bị xử phạt theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Cụ thể, đối với hành vi đưa tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh sẽ bị xử phạt 3.000.000 đến 5.000.000 đồng theo Khoản 2, Điều 5, Nghị định 176 hoặc theo Nghị định 174 với mức xử phạt từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức và 10.000.000 đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân.
Hành vi không khai báo, khai báo không trung thực tình trạng sức khỏe; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng các biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế; che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm, không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 Nghị định 176 với mức phạt từ 100.000 đến 5.000.000 đồng tùy vào từng hành vi.
Như vậy, các hành vi đưa tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh, không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực, không thực hiện việc cách ly theo hướng dẫn, yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
3. Hiện tại, Việt Nam đã thực hiện khai báo sức khỏe toàn dân thông qua ứng dụng NCOVI và Vietnam health declaration, thông qua đó, người dân có thể khai báo tình trạng sức khỏe và nhận được các chỉ dẫn mới nhất về dịch bệnh từ cơ quan chức năng. Do đó, việc cần làm của người dân lúc này là thực hiện việc khai báo y tế toàn dân thông qua ứng dụng NCOVI hoặc Vietnam health declaration. Bình tĩnh không hoang mang trước các thông tin nhiễu loạn trên mạng xã hội, trao đổi và báo cáo về UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú và Trạm Y tế về tình trạng sức khỏe bản thân, các trường hợp nghi vấn đi từ vùng có dịch hoặc tiếp xúc với người nghi nhiễm trở về.

Đối với những người trong diện cách ly cần thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của cơ quan y tế về việc cách ly, khai báo trung thực lịch trình đi lại và những người đã tiếp xúc trước khi cách ly (nếu có).
Dịch Covid-19 có thể chữa khỏi và ngăn chặn sự lây lan nếu được phát hiện sớm. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức vì cộng đồng, chung tay với Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch.
VIỆT NAM QUYẾT CHIẾN THẮNG COVID-19.
Ducanger1975
COMMENTS