Tin vào những lời rủ rê, hứa hẹn về một viễn cảnh như mơ ở xứ người, nhiều người nhẹ dạ cả tin, liều mình đưa tiền cho các đối tượn...
Tin vào những lời rủ rê, hứa hẹn về một viễn cảnh như mơ ở xứ người, nhiều người nhẹ dạ cả tin, liều mình đưa tiền cho các đối tượng để trốn sang làm việc ở nước ngoài. Và hậu quả không chỉ chính bản thân người lao động phải gánh chịu mà còn ảnh hưởng đến xã hội.
39 người vừa bỏ mạng ở Anh minh chứng cho những hệ lụy, rủi ro của việc vượt biên trái phép.
![]() |
Ảnh:
Container chở 39 người Việt Nam vượt biên trái phép bị chết tại Anh
|
Vụ việc là một hồi chuông cảnh tỉnh khi thực tế có nhiều người Việt đã và đang bị những đường dây vận chuyển người bất hợp pháp lôi kéo dụ dỗ. Họ phải trả một số tiền lớn, để rồi phải chui lủi như những tội phạm trên cả chuyến đi.
* Vì sao nhiều người chấp nhận đến với lao động "chui"?
Trong nhiều năm qua, lợi dụng nhu cầu đi làm việc nước ngoài tăng cao, một số đối tượng đã dụ dỗ, lôi kéo, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo con đường bất hợp pháp.
Trong khi đó, có nhiều người muốn đi lao động ở nước ngoài nhưng không đáp ứng được các yêu cầu của các nước nhận lao động, điều kiện của xuất khẩu lao động chính ngạch của họ đề ra (phải có trình độ ngoại ngữ, tay nghề chuyên môn theo yêu cầu của nhà sử dụng, tuân thủ nghiêm ngặt về giờ giấc…).
Một số người lại do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về pháp luật; số khác lại có tâm lý nôn nóng muốn làm giàu nhanh chóng và không chính đáng nên muốn đi nước ngoài nhanh theo con đường phi pháp; không lường hết được mọi khó khăn, nguy hiểm, thậm chí đánh đổi bằng cả tính mạng… nên trở thành nạn nhân của các đối tượng môi giới.
Thực tế cho thấy, phần lớn người lao động đều ý thức được ngay từ đầu hình thức đi công khai hoặc bí mật để đạt mục đích trốn đi lao động ở nước ngoài, chỉ có số ít là người đi không nhận biết được do các đối tượng tự sắp xếp, móc nối với các cá nhân hay tổ chức cho ở lại lao động bất hợp pháp.
Thế nhưng, dù nhận biết được những hệ lụy đó, nhiều người vẫn bất chấp tất cả, đánh cược tương lai, số phận và tiền bạc của mình cho những đối tượng không hề có thẩm quyền, chức trách trong lĩnh vực này.
* Thủ đoạn tinh vi qua mặt cơ quan chức năng
Hiện nay, việc lao động "chui" đang là một thực trạng nhức nhối và con số đang không ngừng tăng lên.
Theo cơ quan công an, các đối tượng thường sử dụng 3 hình thức để hoạt động tổ chức trốn và đưa người đi nước ngoài trái phép. Thứ nhất là tổ chức trốn bí mật bất hợp pháp; các đối tượng dẫn người qua đường tiểu ngạch (không giấy tờ - đường bộ) hoặc mua sắm thuyền vượt biển (đường biển), kể cả từ Việt Nam và qua nước thứ 2 để vượt biên sang nước thứ 3.
Thứ hai là tổ chức trốn dưới hình thức công khai bất hợp pháp; chúng có thể sử dụng hộ chiếu giả, giả mạo hồ sơ để được cấp hộ chiếu mang tên người khác hoặc dùng hộ chiếu, thẻ thường trú của người đã được định cư ở nước sở tại để quay vòng. Thậm chí có đối tượng còn tổ chức người theo kiểu tham quan du lịch đến nước thứ 2 rồi từ đó tìm cách trốn sang nước thứ 3 bằng đường bộ qua tiểu ngạch, vượt biển hay trốn trong xe container hàng hóa.
Và thứ ba là dưới dạng tham quan, du lịch, thăm thân; giả mạo hợp đồng lao động để được cấp visa lao động nhưng sau khi xuất cảnh tự tìm kiếm việc làm; hợp thức hóa thành người của công ty, doanh nghiệp để được ra nước ngoài hội chợ, hội thảo, khảo sát thị trường, ký hợp đồng hoặc có thể theo kiểu hợp thức hóa đi du học tự túc rồi trốn ra ngoài tìm kiếm việc làm…
Tuy nhiên, dù theo bất kỳ hình thức nào, những việc làm này đều bị pháp luật ngăn cấm. Song các đối tượng vẫn bất chấp mọi thủ đoạn để nhằm qua mặt cơ quan chức năng, kiếm lợi nhuận từ việc làm phi pháp.
* Hệ lụy khôn lường
Rời xa quê hương với hy vọng đổi đời, tuy nhiên rất nhiều người trong số họ bị bóc lột sức lao động, bị ngược đãi, quỵt tiền lương; nhiều người bị cảnh sát bắt giữ, phạt tiền; hay trục xuất về nước mà không được sự bảo hộ của bất kỳ nhà nước hoặc cơ quan tổ chức nào, để lại những món nợ khổng lồ cho người thân, gia đình; thậm chí một số trường hợp còn bị chết do tai nạn, dịch bệnh, thậm chí bị sát hại.
Vượt biên trái phép, lao động “chui” chính là người lao động đã tước đi quyền được bảo vệ của mình đồng nghĩa với đó sức khỏe, sự an toàn và tính mạng của lao động sẽ luôn có thể rơi vào tình trạng mất an toàn trong mọi trường hợp. Và đặc biệt, những lao động đi làm việc ở nước ngoài theo kênh không chính sẽ không được pháp luật nước sở tại bảo vệ, kể cả khi bị chủ sử dụng ngược đãi, không trả lương hoặc trả lương thấp hơn quy định, hay khi điều kiện ăn ở và làm việc không bảo đảm. Họ cũng không được hưởng trợ cấp thôi việc khi bị sa thải, không được bảo hiểm y tế khi bị bệnh tật hay ốm đau, không được bảo hiểm rủi ro khi gặp rủi ro, tai nạn... Ngoài ra, cảnh sát nước sở tại thường xuyên tổ chức các lực lượng để truy quét lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Chính phủ các nước thường có chính sách phạt tiền lao động trái phép, trường hợp không nộp phạt sẽ bị buộc phải cải tạo lao động để đủ tiền nộp phạt. Người lao động đã vi phạm quy định luật nhập cư của nước sở tại sẽ bị từ chối cấp visa và bị từ chối khi nhập cảnh lại nước đó.
Không chỉ mang đến nhiều rủi ro, hệ lụy cho người lao động, tình trạng XKLĐ “chui” còn gây nhiều khó khăn cho công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài do không ai quản lý, nhất là khi gặp tai nạn, rủi ro. Hơn nữa, XKLĐ “chui” còn làm xấu đi hình ảnh lao động Việt Nam ở nước ngoài, gây ảnh hưởng không tốt chương trình hợp tác XKLĐ của nước ta với các nước.
Từ những hệ lụy nói trên và đặc biệt là qua vụ việc 39 công dân Việt Nam thiệt mạng tại Anh vừa rồi, người dân cần có sự cảnh giác và tỉnh táo trong việc lựa chọn hình thức, con đường xuất khẩu lao động và từ bỏ ý định vượt biên trái phép để đổi đời một cách mù quáng như những lời ngon ngọt của các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo./.
Lão cắt cỏ
COMMENTS