Sau khi có thông tin hoạt động của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam...
Sau khi có thông tin hoạt động của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, dư luận trong nước và thế giới những ngày qua hết sức quan tâm theo dõi. Cũng như những lần trước, hành động lần này của Trung Quốc tiếp tục là cơ hội của bọn phản động kích động chống phá nhân dân trong nước ít được tiếp cận nguồn thông tin chính thống.
![]() |
Hình ảnh trang mạng của tổ chức khủng bố Việt Tân đăng tải các nội dung
quan điểm tiêu cực, kích động nhân dân.
|
Để có cách nhìn toàn diện hơn về sự việc này, tránh để các đối tượng xấu bịa đặt thông tin nhằm dắt mũi dư luận, kích động biểu tình, Báo Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học, Bộ Công an về vấn đề này.
Theo đó, ngày 17/7, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington thông báo, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng các tàu hộ vệ, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã hoạt động ở lô 06.1, phía Tây Bắc bãi Tư Chính của Việt Nam, ở tọa độ chỉ nằm cách đường cơ sở của Việt Nam khoảng 100 hải lý, tức nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cần lưu ý, trên Biển Đông có rất nhiều mỏ dầu, túi dầu, nhưng bãi trũng Tư Chính - Vũng Mây và Nam Côn Sơn ở phía Nam Biển Đông, nơi Trung Quốc đang hoạt động phi pháp là túi dầu lớn nhất của Biển Đông được phát hiện. Toàn bộ tài nguyên bao gồm tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong vùng biển này thuộc sở hữu của nước CHXHCN Việt Nam. Các nước muốn đánh cá, hay muốn thăm dò khai thác dầu khí ở khu vực này phải được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam, nếu không sẽ vi phạm, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã 2 lần lên tiếng phản đối, tuyên bố rõ ràng những hành động của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Việt Nam mong muốn Trung Quốc và các nước trong và ngoài khu vực tuân thủ nghiêm UNCLOS 1982, đảm bảo hòa bình, ổn định cho khu vực. Bộ Ngoại giao cũng đã trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc phải rút tàu Hải Dương 8 và các tàu khác khỏi khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam tại lô 06.1. Tôi cho rằng phản ứng của Việt Nam trong vụ việc này là đúng mực, tỉnh táo, bình tĩnh, vừa cương quyết, vừa khôn khéo.
Cộng đồng quốc tế cũng lên tiếng phản đối quyết liệt. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, Trung Quốc bắt nạt và làm suy yếu hòa bình, an ninh, ổn định khu vực. Mỹ kiên quyết phản đối những hành động hung hăng, xâm phạm chủ quyền nước khác trên Biển Đông. Dư luận quốc tế cho rằng, trong vụ việc này, chính quyền Donald Trump đã có thái độ rất đúng mực, phê phán gay gắt Trung Quốc trong việc cưỡng ép và bắt nạt các nước khác, yêu cầu họ phải dừng ngay những hành động này để đảm bảo hòa bình, ổn định khu vực.
Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông, trong quá trình giải quyết tranh chấp với Trung Quốc chúng ta cần tỉnh táo và cần thông qua các diễn đàn song phương, đa phương, căn cứ vào luật pháp quốc tế. Thật ra, việc đưa tàu thăm dò và tàu hộ tống vào bãi Tư Chính làm Trung Quốc mất uy tín trước cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, họ rất cần hợp tác quốc tế nên cuối cùng có lẽ họ mới là bên thiệt hại nhiều nhất trong vụ việc này chứ không phải Việt Nam và các nước khác.
Dư luận lo lắng về khả năng xung đột trên Biển Đông là dễ hiểu. Người Việt dù ở trong hay ngoài nước đều quan tâm đến vấn đề bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Đây là ngọn lửa thiêng được hun đúc qua 2.600 năm lịch sử dựng nước và giữ nước. 15 cuộc quyết chiến của dân tộc với các kẻ thù ngoại bang diễn ra trong 26 thế kỷ, tương quan lực lượng Việt Nam đều nhỏ hơn ngoại bang, có những cuộc cân đối lực lượng Việt Nam 1 - ngoại bang 30 nhưng Việt Nam vẫn thắng, tạo nên sức mạnh vĩ đại, sức sống trường tồn của dân tộc Việt Nam, và ý thức bất khuất bảo vệ mảnh đất thiêng của Tổ quốc. Cộng đồng quốc tế cũng lo ngại cuộc xung đột quân sự trên Biển Đông. Sắp tới, Việt Nam và cộng đồng quốc tế nói chung cần theo dõi hành động của Trung Quốc để có phản ứng thích hợp. Tất nhiên dân tộc Việt Nam không bao giờ cúi đầu trước ngoại bang dù kẻ thù lớn đến đâu. Bài học lịch sử còn nhãn tiền, chúng ta sẵn sàng có đáp trả quyết liệt nếu nước ngoài gây sự, xâm phạm chủ quyền.
Vì vấn đề này mà nhiều người có tư tưởng không hợp tác với Trung Quốc. PGS. TS Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện Trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an cho đây là quan điểm sai lầm, bởi Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới đất liền 1.450 km, trước đây từng nói “núi liền núi, sông liền sông” bây giờ còn “biển liền biển”. Cả thế giới hợp tác với họ sao Việt Nam lại không? Chúng ta có thể tận dụng thị trường 1,4 tỷ dân Trung Quốc, mở rộng thị trường hàng hóa, tìm mọi cách sống chung với Trung Quốc để vừa phát triển, vừa bảo vệ mình. Đó là con đường duy nhất đúng đắn.
COMMENTS